KHÔN NGOAN NƯỚC TRỜI

Suy niệm và sống Tin Mừng

Luca 16:1-13

Trần Mỹ Duyệt

 

Đọc và suy niệm trích đoạn Tin Mừng hôm nay (Luca 16:1-13), chúng ta thấy Thánh Luca đã vẽ lên chân dung một người quản gia khôn lanh, mưu mẹo. Ông đã dùng tất cả những thủ đoạn để trục lợi và sống cho cá nhân mình, đúng với suy nghĩ và quan niệm “khôn ngoan thế gian”. Những gì ông toan tính và những gì ông làm ngay cả đến Chúa Giêsu cũng cảm thấy phải thán phục. Và Ngài đã có lời khen ông: “Quả thế, con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”(8)

 

Vậy “khôn ngoan” mà Chúa dùng để khen viên quản gia ở đây là gì? Là khéo léo, hơn người trong cách cư xử? Là quỉ quyệt, thâm độc? Là ranh mãnh, mưu kế? Những cách mà ông này đã dùng để đối đãi với những con nợ của chủ ông. Nhưng đó là cung cách suy nghĩ và lối sống của người đời, của con cái thế gian. Phần những người con cái Thiên Chúa - con cái ánh sáng - Ngài muốn chúng ta chuyển đổi cách suy nghĩ và hành động ấy để phù hợp với nước trời. Bằng cách:

 

Ý thức được khả năng Chúa ban:
 

Trong trường hợp người quản gia đây, ông biết rõ khả năng của mình là gì, và ở những điểm nào. Chính ông đã tự nhận thức: “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.” (3) Ông biết ông không thuộc thành phần chân lấm, tay bùn, những người vô gia cư sống ngoài lề xã hội. Ông cũng có chút văn hóa, địa vị, và để sống sót thì ông chỉ còn cách sử dụng mánh lới, sự khôn khéo, và mưu kế. Ông đã lợi dụng hoàn cảnh và địa vị còn lại để “đi đêm”, và để “hối lộ” với những con nợ của chủ.  

 

Khôn ngoan nước trời:
 

Cuộc sống con người ngắn ngủi, đời sống chóng qua. Nếu như không cẩn thận, không tận dụng, chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng biếng nhác, hoặc để mình sa vào những cám dỗ làm điều gian dối, sống và chạy theo những đam mê, dục vọng, tìm kiếm sự giầu sang thế gian mà quên mất hạnh phúc nước trời. Chúa Giêsu biết rõ điều này, nên Ngài đã dùng hình ảnh người quản gia bất trung để cảnh cáo: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” (9)

 

Tiền của bất chính đối với chúng ta bây giờ gồm những của cải vật chất, những tài năng, vốn liếng tinh thần, thể xác, và sự sống. Bạn bè sẽ đón rước chúng ta vào nơi ở vĩnh cửu đó là những việc lành phúc đức, những hành vi bố thí, công đức, và thời gian, sức lực mà chúng ta đã hy sinh vì Chúa và vì tha nhân. Trước ngưỡng cửa đời đời tất cả những gì thuộc về thế gian đều không có giá trị và phải bỏ lại hết. Chúng ta chỉ có thể đem vào nơi vĩnh cửu (Thiên đàng) những ơn phúc, những việc lành đã làm khi còn sống.

 

Thiên Chúa và tiền của:
 

Tại sao Chúa Giêsu lại đem ra so sánh giữa Ngài và tiền của: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” (13) Như Ngài đã nói trước khi giải thích về những của cải bất chính và những bạn hữu nước trời, do đó, sự so sánh này chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Dầu vậy, ở một nghĩa nào đó, tiền của, sự giầu sang thế gian luôn là sức hút, hấp dẫn, và cám dỗ khó lòng từ chối. Nói về điều này, hẳn là Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta về cơn cám dỗ mà Satan đã thử thách Ngài trên đỉnh núi cao. Tại đó, nó cho Ngài xem tất cả mọi vinh quang trần thế và đề nghị Ngài sấp mình thờ lạy nó. Trước lời mời gọi và cám dỗ, Chúa Giêsu đã đáp lại: “Satan hãy cút đi. Vì có lời chép rằng: ‘Chỉ thờ lạy Thiên Chúa là Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài.” (Mt 4:10) Ở đây hình ảnh của Satan gắn liền với vinh quang trần thế và sự giầu sang thế tục, khiến chúng ta nhiều lúc tưởng lầm hắn là chúa, và phủ phục, thờ lạy.

 

Vì thế, để trở thành con cái khôn ngoan của nước trời, không “vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của”, chúng ta:   

 

-Hãy dùng tài năng, trí tuệ, và của cải Chúa ban để mua lấy phương tiện về nước trời.  
 

-Hãy luôn tâm niệm rằng, “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào có ích gì? Lấy gì đổi được linh hồn?” (Mk 8:35-36; Mt 16:26)
 

-Và khi đứng trước sự chọn lựa giữa thế gian và Thiên Chúa, chúng ta phải chọn Ngài.